Nam Ròm




Hình xưa VNCH
Tin tức đó đây
Sách xưa thời VNCH
Hình vui Ảnh đẹp
Thơ vui, chuyện tiếu mẹo vặt linh tinh ....

Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

Hỏi Ngã... Ngã Hỏi..:....Viết cho đúng hỏi ngã là một vấn đề không đơn giản






Hỏi Ngã... Ngã Hỏi

Viết cho đúng hỏi ngã là một vấn đề không đơn giản, làm nhức đầu một số người, đồng thời lại quá dễ dàng đối với một số người khác. Có người không biết tại sao chỉ có hai dấu mà mình không làm sao nhớ được, người khác lại không thể tưởng tượng được lại có loại người không nhớ nỗi hai dấu này. Người khác không cần thắc mắc, chỉ dùng một dấu, tới đâu thì tới, do vốn dễ dãi với mình, nghĩ rằng chắc không sao đâu, ai mà để ý. Vốn không chuyên môn về ngôn ngữ học- viết hỏi ngã còn chưa thông-nhưng thấy các sách chưa nói ra hết các khó khăn của hỏi ngã, vì đa số viết theo nhãn quan của người miền Bắc, quá rành về chính tả. Khi dạy Toán, người học toán dở thường dạy hay hơn những thầy quá giỏi về toán, vì họ hiểu rõ những sự khó khăn, chật vật của học trò.

Bài này viết, theo cái nhìn của phương Nam, một phần dựa theo các thắc mắc do thân hữu đề ra, là bài khởi đầu trong số nhiều bài về thanh điệu tiếng Việt.



Vấn đề: Viết sai hỏi ngã vì là dân trường Tây Nhiều người cho là tại vì học chương trình Pháp nên viết tiếng Việt sai chính tả.

Giải thích: Các nhà văn tiền chiến, như nhóm Tự lực văn đoàn, ai mà không học trường Tây, thế mà họ viết tiếng Việt đâu có sai. Vậy không phải chỉ có Tây, mà cả Ta cũng thế.

Vấn đề: Chữ thông thường dùng hằng ngày mà cũng viết sai

Nhiều từ, nghe hằng ngày cả chục lần, nói hằng trăm lần, đọc hằng chục lần, viết hằng mấy lần, bị sửa sai hằng ngàn lần mà chứng nào tật ấy, sai vẫn cứ sai hỏi ngã.

Giải thích: Tại sao tiếng Anh, tiếng Pháp chữ nào cũng dài thoòng, âm tiết kỳ lạ, nói giọng khịt mũi (Pháp), ưỡn ẹo như bóng (giọng Ăng lê), cà giựt như xe thổ mộ (giọng HongKong), cà xịt như xe lửa chạy (giọng Nga), rồ rồ trong cổ họng như bị hen suyễn (giọng Bắc Mỹ), líu lo dính cả lưỡi (giọng Japan trong phim Monkey magic), giọng Si Hà Nút của một số vùng VN, mà ít khi quên, trong khi chỉ có hai dấu quèn mà không nhớ.

Thế nghĩa là thế nào?

Lý do là tiếng Anh Pháp không có dấu, chỉ cần nhớ âm tiết, vì thế còn ráng nhớ được, còn hỏi ngã thì chỉ khác tần số, mà tần số có thể bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố, nên rất khó nhớ, phải nói là không thể nhớ nỗi mới đúng.

Vấn đề: Học càng cao càng dốt hỏi ngã

Giải thích: Chính tả là môn bắt buộc ở tiểu học, nên ai cũng phải ráng nhớ, không nhớ thì bị ăn hột vịt lộn, nhưng khi lên Trung Học và Đại học vì còn rất nhiều môn khác để học, nên chính tả trở thành thứ yếu, nhất là hỏi ngã. Chính cả mấy thầy môn Văn không chấm điểm hỏi ngã, nên học sinh từ từ quên hết vốn liếng ở Tiểu học. Lên Đại học lại càng thoải mái hơn nữa. Tiến sĩ, Thạc sĩ, Bác sĩ, Kỹ sư và cả giáo sư, không-Bắc, mà viết không chính tả, và nhất là sai hỏi ngãõ, mới là điều kỳ lạ. Vài công ty ở Saigon, khi tuyển người, bắt làm đơn viết tay để kiểm soát chính tả. Viết sai chính tả là cho vào thùng rác vì bị nghi ngờ về trình độ.
Như vậy là chỉ có người Bắc, người mới vừa học hết tiểu học là được hưởng lợi, còn dân khác tốt nghiệp Đại học coi như ra rìa. Công ty có cơ bị sập tiệm vì nhận người không đủ trình độ.

Vấn đề:Không thể nhớ được hỏi ngã. Vì không nhớ hỏi ngã nên có người cho mình có trí nhớ kém; có người cho là bộ nhớ (memory) của mình bị trục trặc, không chịu lưu giữ dữ kiện; có người cho là tại già trở nên lù khù; có người nghi ngờ mình mắc bịnh si khờ người già.
Giải thích: Không nhớ không phải tại mình già, mà tại vì hỏi ngã quá phức tạp không một ai có thể nhớ hết được, trừ phi là người Bắc. Có lời khuyên các bạn, nhớ được tới đâu hay tới đó, nhưng đừng cố gắng thái quá có cơ đi nhà thương Chợ Quán.

Vấn đề: Sách chỉ dẫn hỏi ngã có giúp ích nhiều không?
Giải thích: Hài thanh để viết đúng các từ láy được một nhà thơ tóm tắt bằng hai câu thơ sau đây:

Chị Huyền vác nặng ngã đau
Anh Sắc không hỏi một câu được là.

Chỉ có 4 từ mà phải đặt thơ để nhớ, thế thì hằng trăm, có thể lên cả ngàn từ khác, thì phải giải quyết như thế nào đây, chẳng lẽ phải đặt thơ kiểu Lục Vân Tiên?

Khi đã nói đến mẹo tức phải ngắn gọn, chớ viết nguyên cả một cuốn sách vài trăm trang để chỉ dẫn hỏi ngã cho thiên hạ thì còn gì là mẹo, sách nghiên cứu thì có.
Người viết sách qui tắc hỏi ngã không thấy được cái khó khăn của người miền Nam, không biết được phương pháp tân tiến để học một sinh ngữ, không am tường phát âm miền khác, nên nêu ra hằng lô qui tắc, hằng trăm từ có hỏi ngã phải học thuộc lòng, và tin rằng ai cũng nhớ được.
Không ai có thể nhớ được nhiều như thế. Cứ cho là nhớ được đi, nhưng nhớ được bao lâu, vài ngày hay vài tuần?

Vấn đề: Software sửa chính tả ra sao?

Giải thích: Có khá nhiều software khá hay để sửa chính tả tiếng Anh, nhưng có rất ít cho tiếng Việt- có thể đếm được trên đầu ngón tay. Hơn nữa lại không đáng tin cậy lắm vì nhiều từ sửa trật lất, có lẽ có ít chuyên gia chú trọng đến tiếng Việt, hay cho tiếng quá dễ học, học chừng hai tháng là viết được ngay, nên không cần ba cái phần mềm lỉnh kỉnh này.

Vấn đề: Dùng tự điển để tra hỏi ngã được không?

Giải thích: Tự điển cũng không 100% chính xác. Có khi cùng một từ mà tự điển này viết khác tự điển kia. Tự điển, kể cả tự điển do chính quyền phát hành, thiếu các từ được cho là địa phương (miền Nam, Trung), các từ kỹ thuật hiện đại, các tiếng lóng, các tiếng Tây, từ Internet, phone text, phim tập... Tự điển cũng chỉ là một trong những phương tiện để viết chính tả, nhưng tự điển cũng không thuận tiện cho lắm, vì quá chậm, cứ viết một chút lại phải tra tự điển mất hết mươi phút, như thế đâu còn hứng mà viết.

Vấn đề: Cứ theo giọng nói mà viết hỏi ngã. Có người cho rằng viết hỏi ngã rất dễ, cứ lần theo giọng người ta nói, từ nào lên giọng là dấu ngã, từ nào xuống giọng là dấu hỏi.

Giải thích: Nhưng làm thế nào khi viết luôn luôn có người đứng kề bên để nhắc tuồng, không lẽ mình đi đâu cũng có một ông kè kè đi theo như mật vụ? Mà ai nhắc? Ông này là người Trung hay Nam thì không khá hơn.

Vấn đề: Hỏi và ngã khác nhau ra sao?

Giải thích: Ít ai phân biệt rõ ràng hỏi ngã khác nhau như thế nào. Đi hỏi mấy ông bạn thân người Bắc thì mỗi người trả lời một khác. Các đồ biểu diễn tả thanh sắc phát xuất từ miền Bắc cũng không cho ta một ý tưởng nào rõ ràng, vì rất lờ mờ, sai sót, và mỗi nơi trình bày một khác. Các mẫu ghi âm giọng nói từ Internet thì cũng không đem đến kết quả khả quan cho lắm, vì khác đây là phát âm lý tưởng, chỉ có trong một nhóm nào đó trong quá khứ, khác với phát âm hiện tại của người Hà Nội cũ và mới. Đa số cho rằng tiếng có dấu (~) thì có âm dài và cao, tiếng có dấu (?) âm ngắn và gọn.

Dấu ngã là falling-rising tone, nghĩa là tần số giảm xuống thấp, để rồi trồi lên cao hơn cả sắc, nên thanh sắc bắt buộc phải lơ lửng coi như không dấu. Dấu ngã có cuối tăng cao và creaky, hơi khác dấu hỏi miền Nam vì dấu này ngắn và thấp hơn sắc.Thí dụ bã phát âm đúng phải là bà a ạ Á (creaky, đột ngột dừng lại và âm độ to lên). Thanh ngã kiểu này có thể là rất hiếm vì dò hỏi mấy anh bạn thân người Bắc thì người nào cũng ngơ ngác.

Dấu hỏi miền Bắc là low falling-rising tone nghĩa là từ thấp (huyền) xuống thấp hơn nữa rồi bật lên một chút. Tần số thấp thì phải phát âm từ trong cổ họng nên cường độ quá nhỏ, coi như cái đuôi bị nuốt mất. Vì rất khó phát âm và không đủ thời giờ kéo dài nên thanh hỏi nghe gần như nặng. Bị lấn chỗ, nặng phải trồi lên trở thành không dấu.

Thanh bả, đúng phát âm lý tưởng miền Bắc, phải là bà ạ á, nhưng đa số phát âm thành bạ.
Câu “Ông từ Tư tự tử” nghe gần như là “Ông tư Tư tư tự”.

Xáo trộn hỏi ngã không thay đổi nghĩa. Khi người Bắc nói, nhiều từ có thể bị đổi tông. Nếu lên giọng là ngã, xuống giọng là hỏi, vì bị ảnh hưởng bởi các âm đứng kề bên, bởi tâm trạng người nói. Vui hay buồn, nghiêm trọng hay thư thả, thủ thỉ thì thầm hoặc la hét, đều có ảnh hưởng đến âm điệu, và như thế làm ảnh hưởng đến độ trầm bổng của tiếng nói. Hơn nữa, các thanh điệu miền Bắc hiện nay đều lơ lửng, nên có thể biến đổi y như tiếng BK, nghĩa là hài thanh, chẳng những áp dụng cho từ láy, mà còn áp dụng cho hầm bà lằng thứ khác.

Phần đối thoại dưới đây nghe lỏm được, xin đừng sửa chính tả vì cố ý viết theo giọng nói, dấu ngã là lên tông, dấu hỏi là xuống tông.

Ăn trộm, nói khẽ với đồng bọn, xuống giọng: Mầy có mang theo cái xà beng để mở cổng không hả?
Bà chủ nhà la lên: Thằng nào muốn mỡ cỗng nhà bà thế hỡ?

Đòi nợ, lên giọng: Mày có trã tiền cho tau không hã?
Con nợ xuống giọng năn nỉ: Đại ca cho em mai trả được không hả?
Buổi sáng vợ nói với chồng: Cởi tã cho con rồi chữa?
Tối lửa tắt đèn, vợ nói với bồ: Muốn cỡi thì cởi nhanh lên, làm gì như là rùa vậy hã?
Bồ: Khẻ chứ, cởi nhanh thế nào được nhẻ?

Phân biệt hỏi ngã không cần thiết
Lý do duy nhất được nêu ra, để bênh vực cho việc duy trì hỏi ngã, là chúng làm phân biệt từ này với từ kia, như lẽ khác lẻ, bả khác với bã. Lập luận này xem ra không vững chắc cho lắm, vì nói sai hay viết sai hỏi ngã người ta vẫn hiểu.

1. Nói:

Ngay cả miền Bắc cũng phát âm khác nhau, dân Hà nội xưa khác Hà Nội nay, dân không-Hanội lại khác dân Hànội, Hànội di cư khác Hànội xưa...Không thể bắt người ta viết theo một nhóm nhỏ dần dần bị tuyệt chủng (theo cuộc khảo sát của Edmondson, chỉ có 50% dân miền Bắc nói đúng hỏi ngã)
.
Hỏi ngã không cần thiết vì dân Hànội nói người không-Hànội vẫn hiểu, mặc dầu hỏi ngã phát âm khác nhau. Lý do là một từ sẽ làm sáng tỏ bằng các từ kế bên, như trường hợp chữ viết. Người miền Nam, chỉ dùng thanh hỏi gần như thanh ngã, nói chuyện người Bắc có hiểu không? Vẫn hiểu như thường, có khi còn hiểu rõ hơn khi nghe vài vùng ở miền Bắc, như nghe dân đảo Cát bà, người Bắc di cư nghe dân Hànội ngày nay.
Nhớ lại hồi xưa khi học lớp năm, khoảng 1948, thì đã có bạn thân là người Bắc, con của dân Bắc kỳ 30 cạo mủ cao su. Tụi này nói chuyện với nhau rất bình thường, không một ai nói là không hiểu, và cũng không phân biệt Bắc hay Nam, chỉ hơi lạ là có một thằng bạn nói N thành L và ngược lại, tuy lạ tai nhưng vẫn hiểu như thường. Hỏi quê ở đâu thì trả lời là Hải Dương, ngày nay mới biết là ở vùng biển người ta hay nói như thế. Xem ra nói lộn xộn hỏi ngã cũng không sao.

2. Chữ viết:

Nếu viết sai hay cố ý xáo trộn hỏi ngã thì người ta có hiểu không?

Vẫn hiểu như thường vì khi đọc, ta không mò từng chữ, nghiên cứu từng dấu một, mà lướt thật nhanh và bộ óc tự động đón nhận các thông tin.

Đọc một chút là chúng ta nhập thần, hòa mình vào trong bối cảnh, vào các diễn biến, vào các nhân vật, và quên hết sự việc xung quanh, đôi khi tưởng mình là nhân vật chính. Nếu đọc mà chú ý đến chính tả, văn phạm, hỏi ngã, chấm câu thì sẽ bừng tỉnh ngay lập tức.
Xin giải thích một cách tỉ mỉ hơn tùy theo từ đơn, từ kép hay câu.

Từ đơn:
Đúng là hỏi ngã sẽ làm phân biệt từ đơn với nhau. Bả khác bã, bảo khác bão, bẩy khác bẫy, bỉ khác bĩ, bổng khác bỗng, võ khác vỏ, đẻ khác đẽ, kĩu khác kỉu, đã khác đả. Nhưng sự phân biệt này không thật cần thiết vì:

-Từ láy, không mang một nghĩa nào cả, thì cần gì phải phân biệt hỏi với ngã?

-Từ đơn chỉ có một trong hai dấu cũng không cần phân biệt. Ta thấy có từ phở nhưng không có phỡ, có từ giữ nhưng không có giử, có phẫu nhưng không phẫu, có cả nhưng không cã, có tủy nhưng không tũy. Vì chỉ có một dấu nên nếu có viết sai cũng không làm cho nhầm lẫn được với cái gì khác được.

-Từ đơn ít khi được sử dụng đơn lẻ, trừ trường hợp như bảng chỉ đường cần phải vắn tắt như Ngừng, Đi, Chạy, hoặc là từ đơn trong tự điển Việt Anh, mà lỡ có viết sai hỏi ngã, cũng không nhầm lẫn được vì đã có tiếng Anh kề bên.

Hồi xưa, thỉnh thoảng tại ngã tư có bảng “ Được phép quẹo phải khi đèn đỏ” dài loòng thoòng. Thắc mắc sao lại viết quá dài trên một bảng chỉ đường bé tí teo không có trùng ngôn hay trùng ngữ, kể cả khi viết “sông Hồng Hà”, như một học giã gạo cội đã nêu ra. Khi có dịp sẽ bàn đến.

-Được chớ, “Đèn đỏ được quẹo phải”.

-Có thể thu gọn hơn “Đỏ được quẹo phải”, mà không sợ nhầm lẫn vì tại ngã tư thì chỉ có đèn mới đỏ thôi.

-Có thể ngắn hơn chút nữa không?

-Được chớ, “Được quẹo phải”, vì đèn xanh là đương nhiên, còn đèn đỏ là được phép, cả hai trường hợp đều đúng.

-Có thể thay đổi chút xíu nào nữa không?

-Được, “Được quẹo phãi”, vì chỉ có một từ mang dấu hỏi nên lỡ có viết phãi cũng không sợ nhầm lẫn với cái gì khác.

Dùng dấu hiệu thì gọn nhất

hay

Bàn ra hơi xa, xin tiếp tục vấn đề còn đang dở dang.

Từ ghép: không cần phân biệt hỏi ngã, vì không thể nhầm lẫn được nhờ vào từ ghép, mà các từ này chiếm đa số, khoảng 95% tiếng Hán Văn và 70% tiếng Nôm.

Bả chuột, nếu có viết sai thành bã chuột đi nữa, thì làm thế nào nhầm với bã mía cho được. Tương tự, bảo bối khác giông bão, đòn bẩy khác bẫy thú, thô bỉ khác bĩ cực, bổng lộc khác với bỗng nhiên, con đỉa khác cái đĩa, máy đẻ khác đẹp đẽ. Cũng có trường hợp, nhưng rất hiếm, là từ ghép nói sai sẽ làm lẫn lộn với từ khác, như chẳng lẽ và chẵn lẻ.

Câu: hỏi ngã không cần thiết vì toàn bộ sẽ bổ túc cho nhau.
Câu “chẳng lẽ anh ta chơi chẵn lẻ” dẫu cho có đổi thành “chẵn lẻ anh ta chơi chẳng lẽ” thì tin chắc là ai cũng hiểu được.
Mỗi từ sẽ được làm cho rõ ràng hơn nhờ từ kề bên, nhờ vào một phần hay nguyên một câu. Viết không dấu trên Internet còn ráng đọc được, huống hồ là chỉ sai hỏi ngã.
Viết sai âm thì khác. Nói “en không en tét đèn ngầu chừa thượng đứa” thì không ai hiểu gì cả.
Cứ thử tưởng tượng chữ Quảng Nam, dùng để ghi phát âm của dân miền này, được công nhận là chính thức thì việc gì sẽ xảy ra?

Ai viết “ăn không ăn tắt đèn ngồi chờ thượng đế” sẽ bị không điểm vì sai chính tả.

Chúng ta không phủ nhận là hỏi ngã nâng cao tính phân biệt từ đơn và một dấu đứng đơn lẽ, nhưng tính phân biệt này không thật cần thiết, đồng thời chính nó làm cho rất nhiều người, không-Bắc, viết sai tùm lum.

Đó là lý do tại sao hỏi ngã khó nhớ hơn âm tiết. Tự đào thải Thanh hỏi low falling-rising của dân "không Hà nội" từ từ sẽ biến mất và trở thành thanh nặng như dân Hà nội, vì trong cuộc sống quá bận rộn, dân số càng ngày càng đông, sinh hoạt phải tăng tốc, nói phải nhanh mới kịp đà, không có đủ thì giờ để kéo dài nên phần đuôi ngóc lên sẽ biến mất. Và chính thanh hỏi trầm này đến lượt mình cũng biến dạng thành hỏi bổng vì nhiều nguyên nhân như sau:

-Tuy là phân biệt được với ngã nhưng lại trùng với thanh nặng, được đường này mất đường kia. Thay vì có 6 thanh, rốt cuộc chỉ còn lại 3 hay 4 thanh, ít hơn miền Nam.

-Hỏi trầm mới nghe thì cũng bình thường, nhưng nghe lâu có cảm tưởng người nói bị mệt mỏi, thiếu hơi.

-Người Bắc ngày nay có khuynh hướng dùng hỏi bổng, nếu họ có tiếp xúc thường xuyên với miền Nam. Chỉ có người Bắc di cư cố cựu, người Bắc chưa vào Nam còn xài hỏi trầm.

-Người trẻ Bắc lớn lên ở miền Nam hay ở nước ngoài sẽ không phân biệt được hỏi trầm với ngã, mà thay bằng vào đó bằng hỏi bổng. Các em này có giọng nói lai, nghĩa là một chút Bắc, một chút Nam (có các âm R, Tr, W, Y đầu từ), một chút Tây (nói các âm Fl, Bl, Dr...quá dễ dàng), nghe rất lạ tai, ngộ nghĩnh, dễ thương, và không giống ai. Các bạn có thể kiểm chứng lại bằng cách nghe các câu trả lời, bằng tiếng Việt, trong các cuộc phỏng vấn ca sĩ trẻ hay các cô thi hoa hậu.

-Khi muốn biểu diễn 6 thanh tiếng Việt thì hỏi bổng được sử dụng thay cho hỏi trầm, chứng tỏ có cái gì không ổn trong hỏi trầm.
Nếu chỉ còn thanh ngã thì cần gì phải phân biệt hỏi ngã?

Giọng chuẩn:
Quan niệm chung cho rằng dân Nam Kỳ thì bê bối nhất, Trung Kỳ thì còn khá một chút, chớ Bắc Kỳ thì hoàn hảo trong việc sử dụng hỏi ngã. Vì giọng của người ta khi sinh ra vốn đã “chuẩn” rồi nên viết đúng chính tả.

Nhưng thế nào là chuẩn?

-Chuẩn là nói đúng. Không có phát âm nào đúng và cũng không có phát âm nào sai. Đúng hay sai là phải có cái gì làm chuẩn để có thể so sánh. Người Bắc dùng rất nhiều từ Hán Việt trong khi miền Nam chỉ dùng tiếng Việt, và không có tiêu chuẩn nào để cho là từ HV đúng hơn tiếng nước ta. Bình Nguyên Lộc viết rằng từ HV chỉ là tiếng Tàu nói sai giọng. Đúng vậy, Pejing nói sai giọng thành Bắc Kinh, Zhongguò thành Trung Quốc hay Chzung Quốc, Yuènàn thành Việt Nam, Paris thành Bá le.â

-Chuẩn là phân biệt rõ ràng các âm, nghĩa là ít từ đồng âm khác nghĩa. Miền Bắc có nhiều âm tiết nên ít từ đồng âm, nhưng không có nghĩa là chuẩn hơn tiếng Hán, tiếng Nhật. Mỗi âm tiết tiếng các nước này có rất nhiều từ đồng âm, có từ có hơn một trăm từ đồng âm như từ “Yi” tiếng Hán có khoảng 170 từ đồng âm, thế mà khi nói hay viết thì họ vẫn hiểu nhau được.
Đó là nhờ cách dùng từ ghép và viết dính lại trong phiên âm Latin để ghi tiếng Trung Hoa, tiếng Nhật.

-Chuẩn là phổ biến nhất nghĩa là có tỉ số dân nói nhiều nhất. Phát âm ở đảo Cát Bà, ở bờ bể Tuy Hòa, ở xứ Quảng khá đặc biệt, ngay cả dân bản địa cũng không hiểu nỗi, không thể dùng để làm tiêu chuẩn cho tiếng Việt, không phải vì sai, mà vì có quá ít người sử dụng.
Nếu thế thì phát âm miền Nam đúng tiêu chuẩn nhất, vì phát âm miền Bắc chiếm độ 30%; miền Thanh Nghệ Tĩnh chừng 15%; miền Nam chiếm 55%-trải dài từ Nha Trang đến Cà Mau. Nói miền Nam chuẩn hơn thì hơi lộng ngôn một chút. Chuẩn phải là một cái gì khác.

-Chuẩn có nghĩa là được chính quyền công nhận. Điều này không có gì để bàn cãi vì có người viết rằng phân biệt dấu hỏi với dấu ngã là qui tắc chính tả Việt ngữ thống nhất trên toàn quốc.
Tại sao chỉ có dân miền Bắc viết đúng? Ai có thẫm quyền quyết định hỏi ngã? Đây là vấn đề mấu chốt nhưng ít ai nói đến vì vô tình không biết, hay cố ý tảng lờ.
Không phải người Bắc viết đúng chữ Quốc Ngữ, mà chữ Quốc Ngữ được sáng tác theo phát âm miền Bắc, ngoại trừ các âm R, Tr, S. Vì thế, chữ Quốc Ngữ thiếu các âm W, J, phụ Y đầu từ.
Không phải sắc lệnh, không phải tự điển chính thức, mà phát âm miền Bắc được dùng làm tiêu chuẩn cho chữ Quốc Ngữ.
Bất kể là họ nói như thế nào, đúng hay sai, chữ Quốc Ngữ đều phải viết theo y chang như thế.

Thí dụ:

Washington, nếu ta viết đúng âm W như Wa Thịnh Đốn, là viết sai chính tả. Còn nếu ghi sai W thành H như Hoa Thịnh Đốn, thì lại đúng chính tả.

Hawaii, nếu ghi đúng Ha wai yi là sai chính tả, còn ghi sai Ha oai di là đúng chính tả, thế mới kỳ.

Ngay cả tiếng Nôm cũng thế, nếu viết đúng ngả chúi là sai chính tả, còn nếu viết sai thành ngã chúi thì lại đúng chính tả, vì tự điển dùng dấu hỏi cho nghiêng ngả, ngả nón nhưng dùng dấu ngã cho ngã chúi, ghi đúng theo phát âm lên giọng. Cả lũ nhưng lủ khủ, dỡ hổng nhưng dở bổng là thí dụ khác. Ngoài ra có nhiều từ miền Nam bị sửa lại cho đúng phát âm miền Bắc như mắc cở thành mắc cỡ, cù lủ thành cù lũ, lũ khũ (viết lủ khủ cũng đúng).

Và có hằng trăm từ bất chợt đổi tông như thế, ba hồi xuống giọng thành hỏi, ba hồi lên giọng thành ngã, không theo qui tắc nào cả, cho đã cái miệng của mình nhưng làm khổ cho cái đầu của người khác.

Người Nam và Trung, viết theo phát âm của mình, khác với miền Bắc, nên thường viết sai. Nếu cố gắng thì khá một chút nhưng phần đông viết mò quờ quạng y như hiệp sĩ mù điếc đi trong mưa gió. Viết trật chính tả là chuyện tự nhiên, viết đúng mới là chuyện hi hữu.

Người Bắc viết “Cô Lan lang thang, mới tám tuổi tủi thân khóc ầm ĩ, âm ỷ bỏ ngõ bừa bãi nhà cửa” vì họ nói y chang như thế “Cô La-nờ la-ngờ tha-ngờ, mới tám tu-ụi tuị thân khóc ầm í, âm ỵ bọ ngó bừa bái nhà cựa”.

Trong khi đó, người Nam viết “Cô Lang lang thang, mới tám tủi tủi thân khóc ầm ỉ, âm ỷ bỏ ngỏ bừa bải nhà cửa”, nói thế nào là viết thế ấy.

Thế tại sao dân miền Nam không dùng dấu ngã mà dùng dấu hỏi?

Lý do là người Nam phát âm hỏi hay ngã như nhau nên chỉ dùng một dấu. Chỉ dùng dấu hỏi vì liền sau câu hỏi là dấu (?), nên họ viết “hỏi” với dấu (?), một cách đúng logic, và các dấu ngã đều biến thành hỏi.

Người Trung phát âm thanh hỏi và ngã thành nặng nên dùng dấu hỏi y như người Bắc.
Chữ viết không được phổ biến

Một ngôn ngữ hay chữ viết muốn được phổ thông thì trước tiên là phải dễ học, dễ nhớ, lâu quên, sắc tộc nào nói cũng nói được, có thể nói nhanh (để lồng tiếng cho kịp), bắt chước dễ dàng tiếng Anh Pháp (để nói cho cho đúng giọng).

Ngôn ngữ phong phú là do từ chính xác, phân biệt, rõ ràng, cấu trúc mạch lạc, chứ không phải là do sử dụng hỏi ngã quá phức tạp, gây phiền phức cho hơn 70% tổng số dân của một nước- muốn biết hỏi ngã khó cỡ nào, xin xem các bài kế.

Chữ Đại Hàn thay thế chữ Hán; chữ giản thể của Trung Quốc; tiếng Pháp bị tiếng Anh lấn lướt vì quá phức tạp, là các gương sờ sờ trước mắt, mà sao không thấy.

Khi viết người không-Bắc chỉ dùng có nữa bộ óc, phần còn lại dùng để kiểm soát dấu, như thế đâu còn hứng để mà viết. Viết như Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam vừa hay vừa không sai chính tả thì bộ óc chắc phải có gì đặc biệt.

Viết đúng chính tả là làm đẹp hình thức. Có người viết chỉ có hình thức, đúng chính tả, đúng chấm câu, chơi chữ, vòng vo tam quốc, khó hiểu vì dùng từ chuyên môn- một cách vô tình hay cố ý- để không ai hiểu được muốn nói cái gì, nhưng nội dung rỗng tuếch.
Nếu viết cho bạn bè thân hay vợ con trong nhà đọc thì muốn vẽ rồng rắn gì cũng được, ngược lại nếu viết cho người khác đọc thì phải rất thận trọng, trong chính tả nói chung và hỏi ngã nói riêng. Nếu không sẽ bị phê bình là có mác Tiến sĩ, Thạc sĩ hay Bác sĩ mà viết trật chính tả. Các bài viết, biên khảo, nghiên cứu dù có công phu cách mấy cũng mất một phần giá trị đi.

Đúng là rừng hỏi ngã ngã hỏi.

Quí vị trường Tây thì nên viết bằng tiếng Anh Pháp coi bộ dễ hơn rồi chịu khó tìm người chuyển dịch chữ Việt.

Không có chữ nước nào, kể cả Anh, Pháp, Ấn, Campuchia, Thái Lào, và cả chữ Hán tượng hình, khi viết cứ mươi phút lại phải dùng tự điển kiểm tra hỏi ngã. Và cũng không có chữ nước nào, càng học cao lại càng dốt- tốt nghiệp Đại học viết thua người có trình độ tiểu học.

Cách viết đúng chính tả: Trong khi chờ đợi sự cải cách, có thể viết đúng hỏi ngã bằng cách:

-Áp dụng qui tắc không sắc hỏi, huyền nặng ngã cho từ láy. Nhưng với từ láy nào là cả một vấn đề, nếu kết hợp không đúng sẽ viết sai.

Thí dụ rõ ràng, ro rõ, lảng ồ, lơ lảng.

-Từ HV viết hỏi khi các phụ âm đầu là Ch, Di, Kh và không có phụ âm đầu như ải, ảo...; viết dấu ngã cho khi phụ âm đầu là D, L, M. N, V

-Từ miền Nam, Trung viết dấu hỏi.

Trên đây là qui tắc có thể nhớ được. Phần còn lại, không thể nhớ hết được, có thể giải quyết bằng một trong các cách dưới đây
-Sử dụng tự điển điện tử để tra cứu hay tự động sửa chữa, lẹ hơn là sách tự điển.
-Quí vị còn trẻ có thể tìm một cô vợ Bắc Kỳ, còn nếu quá già thì về VN tìm một vài cô thơ ký Bắc Kỳ nhờ sửa hộ, vừa tiện vừa lợi.
-Thay bằng dấu khác. Có thể thay cả hai dấu hỏi ngã bằng một dấu nằm nghiên 45 độ như hình dưới đây, tạm đặt tên là dấu “nghiên”

Phương cách này rất thích hợp để viết tay, nhưng phải viết kiểu nước đôi hay mờ ảo như chữ Bác sĩ, để không ai bẻ được. Để có thể dùng trong computer chắc phải nhờ một người nào đó cài thêm dấu này vào trong các chương trình viết tiếng Việt.

Các vị giỏi chữ Quốc ngữ nên bớt tự cao, nếu có chê thì nhẹ tay một chút cho thiên hạ nhờ. Còn người có bị chê thì cũng đừng tự ti mặc cảm hay tự ái, mà chỉ nên cười trừ, vì hỏi ngã trong chữ Quốc ngữ chỉ thích hợp cho người khác.

Trên đây chỉ là vài ý kiến thô thiển, nếu thấy sai thì xin chỉ giáo, nếu trái tai thì xin bỏ qua cho.

Ðoàn Văn Phi Long (Úc Châu- 22-Feb-07)

29 thg 7, 2010

5 nhận xét:

  1. Bác có mấy chỗ sai hỏi ngã kìa " nhớ nổi" chứ không phải "nhớ nỗi", "thẩm quyền" chứ không phải "thẫm quyền". Bác bỏ quá cho. :-)

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn nhiều nha,bài này cọp lại trên mạng bỏ vào nguyên văn và Ròm cũng đang học về hỏi ngã.

    Trả lờiXóa
  3. Túm lại làm cách nào viết cho đúng chính tả huh Nam

    Trả lờiXóa
  4. Ròm cũng tự hỏi mà không có câu trả lời.Chỉ biết khi viết sai ,có ai đó chỉ cho mình thì sửa lại và theo đó học mà thôi .

    Trả lờiXóa
  5. Đọc nhiều, nghe nhiều thì tự viết đúng mà.

    Trả lờiXóa

Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm

Những bài đăng trong tầng lầu này