Tìm Hiểu Từ Ngữ Việt Kiều
Tác giả: Trương Ngọc TuệCựu SQCH P.CH/ BTM/ SĐ1BB
Hiện nay, từ ngữ "Việt Kiều" đã trở thành thông dụng, đến cả truyền thông, báo chí của người Việt trong nước, người Việt ngoài nước, người Việt nước ngoài thường xuyên xử dụng, từ giới thông thái, trí thức cho đến giới bình dân. Tuy nhiên, sự ngộ nhận và xử dụng sai lạc về từ ngữ Việt kiều cũng khá nhiều. Trước khi đi vào chi tiết từ ngữ Việt kiều, tức là đề cập tới người Việt nói riêng thì chúng ta nên nói tới nguyên tắc chung. Từ ngữ "kiều dân" hay là "người ngoại quốc" hay là "ngoại kiều", tiếng Anh là "foreigners" được dùng để chỉ tới những người nước ngoài quá cảnh hay cư ngụ trên lãnh thổ của một quốc gia sở tại. Ví dụ, các chính phủ Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Canada, Úc ... gọi những người Việt đến nước của họ là ngoại kiều (nói chung) và chỉ danh rõ ràng hơn là kiều dân nước Việt, hay nói theo tiếng Hán Việt là Việt kiều. Nhưng để gọi một người là kiều dân thì căn cứ vào đâu? Theo quốc tế công pháp và theo luật quốc tịch của các nước nói chung, để xác định lý lịch của một người thuộc một quốc gia nào thì căn cứ vào quốc tịch (nationality) của người đó.
Dựa vào nguyên tắc trên, thì những người Việt Nam nào ra nước ngoài bằng thông hành (còn gọi là hộ chiếu, passport, passeport, pasaporte) do nước Việt Nam cấp thì được gọi là ngoại kiều nước Việt (Vietnam-foreigners), theo tiếng Hán-Việt là Việt kiều. Vì vậy, những người có gốc nước ngoài như người Miên, Ấn, Nhật, Pháp, Mỹ ... mà có quốc tịch VN, hay có hộ chiếu VN thì cũng được gọi là Việt kiều. Có thể liệt kê trong danh sách những loại Việt kiều sau đây:
1. Những cán bộ, viên chức, quân nhân của chính phủ VN đi công cán (dài hạn hoặc ngắn hạn) ở nước ngoài.
2. Những người VN ra nước ngoài theo diện du học.
3. Những người VN ra nước ngoài du lịch.
4. Những người VN ra nước ngoài với mục đích thương mại.
5. Những người VN ra nước ngoài theo chương trình hợp tác lao động của chính phủ VN (chủ yếu là ở các nước Á châu như Đài Loan, Mã Lai, Đại Hàn ...và các nước ở vùng Đông Âu, là vùng cựu khối Cộng Sản).
Để một người "Việt Nam" của nước VN xuất ngoại và cư ngụ trên lãnh thổ của nước ngoài một cách hợp pháp thì phải qua các thủ tục sau đây:
a) Được sự cho phép của bộ Nội Vụ VN (điều tra an ninh).
b) Được sự cho phép của bộ Ngoại Giao VN (cấp sổ thông hành).
c) Được sự cho phép của chính phủ quốc gia mà người VN muốn đến thông qua nhân viên của tòa đại sứ hay tòa tổng lãnh sự hay tòa lãnh sự của họ ở VN, cấp thị thực nhập cảnh còn gọi là visa và thông thường là ấn định thời hạn cư trú.
Khi rời quốc gia nơi cư ngụ để trở về VN, thì những người này được gọi là Việt kiều hồi hương, dĩ nhiên là họ không cần xin thị thực nhập cảnh vào VN, vì họ trở về quê hương của họ, nhà của họ. Khi đặt chân lên lãnh thổ VN, từ ngữ Việt kiều không còn được dùng cho họ nữa, chính phủ VN không thể gọi họ là Việt kiều, vì không một chính phủ nào gọi dân của mình là ngoại kiều, và cũng không ai tự xưng mình là Việt kiều vì không ai lại làm ngoại kiều trên quê hương của mình, nếu có thì gọi là nguyên hay cựu Việt kiều.
Còn những người VN được sự cho phép của những chính phủ nước ngoài, chấp thuận cho cư trú lâu dài trên lãnh thổ của họ theo diện di dân, tị nạn ... thì họ không gọi là Việt kiều, mà là thường trú nhân tạm thời (temporary, conditional residents), thường trú nhân (permanent residents), công dân (citizens). Những người này thường được gọi chung là cư dân (residents). Những người này tùy theo thân trạng (status) của mình mà có nghĩa vụ thi hành những bổn phận và được hưởng quyền lợi mà luật hiến pháp và luật di trú quy định, ví dụ: nộp thuế, khai thuế, quân dịch, ứng cử, bầu cử, nạp đơn xin làm viên chức chính quyền, mở cơ sở kinh doanh ... Còn những Việt kiều thì không phải làm như vậy, vì họ là người nước ngoài đối với nước chủ nhà. Cũng như vậy, chính phủ Hoa Kỳ không bao giờ gọi cư dân của mình là Mỹ kiều (American foreigners) và gọi là cư dân người Việt là người Mỹ gốc Việt (Vietnamese Americans).
Bây giờ,chúng ta lùi lại quá khứ, để trở lại nước Việt Nam Cộng Hòa dưới thời của Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào giai đoạn sau 1954. Trước năm 1954, 1955, nước VN bị đặt dưới chế độ bảo hộ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ) và thuộc địa (Nam Kỳ) của nước Pháp. Nam Kỳ do chính phủ Pháp cai trị trực tiếp, cho nên có rất nhiều người ngoại quốc tới Saigon sinh sống làm ăn. Họ được gọi chung là ngoại kiều, gồm có: Ấn kiều, Thái kiều, Lào kiều, Mã kiều ... Trong số những ngoại kiều này , cộng đồng đông nhất là người Hoa, trong cộng đồng người Hoa có những ngoại kiều có quốc tịch khác nhau: Đài Loan, Hongkong, Mã Lai, Phi, Thái .. mà đặc biệt đông nhất là nhóm người Hoa tới VN vào sau thời kỳ nhà Minh (1368 - 1662) ở Trung Hoa bị sụp đổ, có người đã trãi qua nhiều đời, sống ở đây và thực tế họ sống như là người VN nhưng quốc tịch không phải là VN. Họ được gọi chung là ngoại kiều. Họ đã nắm nhiều vị trí quan trọng về đời sống kinh tế của miền Nam mà cụ thể là vùng Chợ Lớn ở ngay Saigon. Chính phủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm không thể nào trục xuất họ ra khỏi nước, nhưng để kiểm soát họ cũng như giềng mối về kinh tế, tài chánh. Chính phủ ra một sắc lệnh, buộc họ phải chọn: hoặc phải nhập tịch VN để được hưởng quyền lợi của một công dân VN và phải thi hành một số nghĩa vụ, bổn phận của một công dân do luật pháp VN quy định, hoặc là chọn quy chế của một ngoại kiều, dĩ nhiên sẽ bị hạn chế một số quyền lợi và không phải thi hành một số nghĩa vụ nếu không phải là người có quốc tịch VN. Những người nào chịu nhập quốc tịch VN thì được gọi là người Việt gốc Hoa, những người nào mà không chịu nhập Việt tịch thì được gọi là Hoa kiều.
Theo luật quốc tịch của VN hiện tại, thì tất cả người VN đều được xem, bị xem là có quốc tịch VN dù đã thủ đắc quốc tịch của nước ngoài kể cả những người được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài trừ khi có làm đơn xin từ bỏ quốc tịch VN với sự chấp thuận của chủ tịch nước VN (nội dung này người viết chỉ đọc trên báo chí, chứ chưa đọc được văn bản).
Tuy nhiên, những người gốc Việt hiện đang sinh sống ở nước ngoài với tư cách là cư dân, khi đến VN thì thủ tục nhập cảnh y như người ngoại quốc, quy chế của họ ở VN cũng giống như người ngoại quốc. Trong trường hợp này, chính phủ VN phải gọi họ là ngoại kiều (foreigners) nói chung và Mỹ kiều, Úc kiều, Đức kiều ... gốc Việt nói riêng chứ không thể gọi họ là Việt kiều, vì căn bản pháp lý của họ là cư dân, là một sắc dân của nước ngoài chứ không phải là người của nước VN, mà nếu coi họ là người Việt theo như điều luật quốc tịch VN, thì không thể gọi họ là Việt kiều. Đúng ra, phải viết là Vietnamese American foreigners, Vietnamese Canadian foreigners, Vietnamese Australian foreigners .. nhưng "có lẽ" ? cái từ American hay Canadian .. bị cắt bỏ cho gọn thành Vietnamese foreignerss và dịch ra là Việt kiều. Với những "Việt kiều" loại này thì không thể gọi họ là Việt kiều hồi hương, vì họ đặt chân tới một nước khác, nước VN hiện tại chỉ là cố hương. Chúng ta có thể phân biệt 2 loại: thường trú nhân và công dân. Chúng ta lấy người Việt ở Hoa Kỳ làm ví dụ.
A. Công dân: người đến VN có thông hành do bộ ngoại giao HK cấp, có thị thực nhập cảnh của chính quyền VN cấp. Trong mục A này, chúng ta cũng phân làm 2 loại:
1) Những người đến VN là những quân nhân, viên chức ngoại giao đại diện cho chánh phủ HK, họ có quy chế đặc miễn ngoại giao. Nếu họ có vấn đề gì rắc rối
trên lãnh thổ VN thì chắc chắn cái luật quốc tịch của CHXHCNVN (nếu có) không thể đem ra áp dụng. Lấy thí dụ gần đây, Trung Tá Lê Bá Hùng đại diện chánh
phủ HK, DBLB Cao Quang Ánh đại diện quốc hội HK tới thăm viếng VN, không thể gọi hai ông ấy là Việt kiều hồi hương, cũng không thể coi hai ông ấy là công
dân VN.
2) Những người đến với tư cách thường dân, nếu họ có vấn đề gì rắc rối trên lãnh thổ VN thì họ có thể yêu cầu đại diện ngoại giao của HK giúp đỡ và can
thiệp. Chính phủ HK có đủ tư cách can thiệp, mức độ can thiệp như thế nào thì còn tùy thuộc tính chất của vấn đề (hình sự hay chính trị) khả năng tài chánh của đương sự.
B. Thường trú nhân: người đi thường là có thẻ xanh, reentry permit (giấy cho phép trở lại) do Sở Di Trú - Bô Tư Pháp cấp, có thị thực nhập cảnh của chính phủ VN.
Nếu đương sự đi quá thời hạn luật định (6 tháng) và reentry permit cho phép (2 năm) thì có thể bị chính phủ HK không cho phép trở lại. Nếu đương sự gặp rắc rối hay
có vấn đề gì trên lãnh thổ VN thì vẫn có thể yêu cầu đại diện ngoại giao HK giúp đỡ, nhưng chính phủ HK có thể từ chối sự giúp đỡ nếu thấy rắc rối hoặc không có lợi
ích, thậm chí nhân đó có thể trục xuất luôn. Trong trường hợp này, đương sự dễ bị tròng vào cổ cái quy chế quốc tịch VN và do hệ thống tư pháp VN xét xử.
Tuy cố áp đặt tất cả người VN cư dân của nước ngoài với quy chế là công dân VN, nghĩa là tất cả đều được, bị xem là công dân có quốc tịch VN trên văn bản
luật pháp, trên truyền thông, trên báo chí, nhưng trong thực tế họ áp dụng 2 quy chế khác nhau như chúng ta đã nói ở trên. Tuy nhiên, những vấn đề rắc rối liên quan
tới an ninh chính trị (có thật) hoặc được cho là liên quan tới an ninh chính trị (do nhà cầm quyền diễn giải) thì luật VN áp dụng rất co dãn, tùy tiện, uyển chuyển theo các
cách sau đây:
* Cố tròng vào cổ nghi can cái quốc tịch VN nếu được (để xử theo luật của VN hoặc từ chối sự can thiệp của đại diện ngoại giao).
* Ai biết luật thì xử theo biết luật, ai không biết luật thì xử theo không biết luật.
* Nếu nghi can là công dân của một nước nhỏ, không có ảnh hưởng tới chánh quyền VN, hoặc không đủ tài chánh để thuê mướn luật sư hay yêu cầu quốc gia mình
can thiệp. Luật lệ của VN có cơ sở được áp dụng với tư cách là người VN.
* Nghi can là công dân của một nước lớn, có khả năng ảnh hưởng tới chánh quyền VN, có đủ tài chánh để thuê mướn luật sư hoặc yêu cầu sự can thiệp của đại diện
ngoại giao, nhất là nghi can làm món quà thương lượng đôi bên, thì thường là bị trục xuất với lý do nhân đạo.
Qua điều luật và sự áp dụng thực tế, xem chừng cái điều khoản của luật quốc tịch VN dành cho người Việt sống ở nước ngoài chỉ là hư chiêu, đòn gió có
mục đích răn đe những ông "Việt kiều" nào to gan muốn về VN thách đố quyền lãnh đạo của đảng CSVN và chính phủ VN cũng không thực tâm muốn xem tất cả người
Việt ở nước ngoài là công dân Việt Nam, vì nếu là công dân thì phải có quyền bầu cử, ứng cử, tham gia điều hành đất nước, mà người Việt nước ngoài hầu hết là con
dân của một chính phủ thù địch trước đây, VNCH, kế đó là ra vào VN không cần thị thực nhập cảnh. Đó là điều bất lợi về an ninh cho chính phủ VN. Nhưng tại sao họ
vẫn làm ra vẻ tha thiết, quan tâm tới các cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là ở HK, đó là điều hầu như ai cũng biết: tiền bạc, chất xám, và họ muốn nắm
quyền kiểm soát tất cả người Việt ở hải ngoại. Vì vậy, họ đã gắn cho tất cả người Việt ở nước ngoài cái mác "Việt kiều" cho phù hợp với điều luật quốc tịch quy định.
Người Việt ở trong nước ra nước ngoài được gọi là Việt kiều (bởi chính phủ của các quốc gia sở tại) và người Việt là cư dân của nước ngoài về Việt Nam cũng được gọi là Việt kiều (bởi chính phủ VN). Chính vì sự phát âm và chữ viết giống nhau trong tiếng Việt đã khiến cho nhiều người "cố ý hay vô tình" diễn đạt lung tung theo ý của mình tùy theo từng người. Muốn hiểu rỏ từ ngữ "Việt kiều" thì chúng ta phải giải thích từng chi tiết. Tiếng Việt, ngoài những tiếng Việt thuần túy thì còn có những tiếng mà gốc là tiếng Hán, không phải ít mà có thể nói là khá nhiều. Tiếng Hán (tự dạng như tiếng Tàu) được phát âm rồi phiên âm qua tiếng Việt, du nhập vào tiếng Việt và được xử dụng thường xuyên rồi trở thành tiếng Việt. Ví dụ: âm "xíu phu" của tiếng Hán được phiên âm qua tiếng Việt là "sư phụ", có nghĩa là "người thầy". Những tiếng Việt mà xuất phát từ tiếng Hán gọi là tiếng "Hán-Việt". Việt kiều là tiếng Hán-Việt được ghép từ chữ Việt và kiều. Việt là: nước Việt, người Việt, tiếng Việt ... Tuy cùng là âm Việt, tự dạng của chữ Việt trong Hán tự thì viết giống nhau, nhưng vì tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ độc âm (mono-syllable) và thường có đi kèm với một chữ khác mới đủ ý nghĩa như ngôn ngữ đa âm (multiple-syllable). Ví dụ chữ Việt đi kèm với 1 chữ nữa như chữ quốc, chữ nhân, chữ ngữ để cho thành 3 từ ngữ có 3 nghĩa khác nhau: Việt quốc, Việt nhân, Việt ngữ (chúng ta không đề cập tới những chữ việt khác như việt dã, siêu việt ... vì không quan trọng) và khi dịch ra Anh hay Pháp ngữ thì nó được viết liền thành một chữ: Vietnam, Vietnameses, Vietnamese. Kiều: là đẹp như kiều diễm, kiều là cái cầu như kiều lộ, kiều là người nước ngoài như ngoại kiều, kiều hối. Chữ kiều mà chúng ta đề cập đến là chữ có cái nghĩa là người nước ngoài, chữ này không có gì bàn cãi vì nó đã rõ ràng. Cái chữ làm cho mọi người rối trí, mập mờ chính là chữ Việt. Ngôn ngữ của các nước có những từ ngữ đồng âm nhưng dị nghĩa, thì tiếng Việt cũng như vậy, có khi lại phản nghĩa nữa, như lậu là kín (buôn lậu), lậu là hở (tiết lậu) hoặc ngộ là biết (giác ngộ), ngộ là không biết (ngộ sát)....
Hai chữ Việt trong hai từ ngữ Việt kiều trên là từ đồng âm dị nghĩa, một chữ là người Việt, Việt nhân (Vietnameses), một chữ là nước Việt, Việt quốc (Vietnam). Thế nào là người Việt? Định nghĩa đó đặt trên căn bản nào? Có 2 căn bản để định nghĩa
* Phương tiện chủng tộc, nòi giống: ai có giòng máu Việt là người Việt (kể luôn cả những người Việt nói tiếng nước ngoài như Pháp ngữ, Anh ngữ, Hoa ngữ ... )
* Phương tiện pháp lý: ai có quốc tịch Việt Nam là người Việt Nam (kể là cả người Việt Nam có gốc người nước ngoài như Miên, Lào, Nhật, Ấn, Hoa... )
Trong hoàn cảnh này chúng ta có thể chia người Việt ra làm 3 nhóm:
1) Nhóm A: Những người Việt có quốc tịch VN, là công dân VN, đang ở VN, còn gọi là người Việt trong nước (interior Vietnameses). Nhóm này không có gì để bàn cãi.
2) Nhóm B: Những người Việt có quốc tịch VN, là công dân VN, đang ở ngoài lãnh thổ VN. Nhóm này là người Việt ngoài nước (exterior Vietnameses), là Việt kiều, khi dịch sang tiếng Anh là Vietnam-foreigners hay Vietnamese-nationality-foreigners. Nhóm này đã được liệt kê trong danh sách trên, số lượng chủ yếu thuộc về những người ra đi trong chương trình hợp tác lao động với nước ngoài. Đây là Việt kiều đúng nghĩa 100%, đúng từ trong ra ngoài, từ nội dung đến hình thức, từ bản chất đến hiện tượng.
Thực chất, nhóm A và nhóm B là một, chỉ khác biệt về không gian, nhóm A có thể trở thành nhóm B và ngược lại.
3) Nhóm C: Những người Việt là cư dân của nước ngoài (thường trú nhân, công dân) khi dịch ra tiếng Anh là Vietnamese residents nói chung; là Vietnamese Americans, Vietnamese Canadians, ... nói riêng. Những cộng đồng của nhóm này ngày nay trên thế giới ước tính khoảng gần 4 triệu người mà đông nhất là ở Hoa Kỳ, hầu hết là người từ Miền Nam Việt Nam trước đây tức là nước VNCH cũ. Nếu gọi nhóm này là "Việt kiều" thì đây là Việt kiều Dzỗm, Việt kiều mạo hóa .., y như lon bia 33 mà nước bia bên trong là Budweiser, Heineken .... Chắc chắn có một số rất ít Việt kiều loại này vì lợi ích cá nhân hay gia đình đã và sẽ hợp tác với chính phủ VN trong vai trò hoạt động nằm vùng, hoạt động kinh tài ở hải ngoại như đã xảy ra ở MNVN trước '75, loại Việt kiều này cũng na ná như những người đi theo MTGPMN, thành phần Thứ Ba, thường bị phe ta lẫn phe địch coi thường và không phe nào chịu công nhận là người của mình và kết cuộc cuối đời sẽ thành những cánh "chim chiều không tổ": lạc lõng, bơ vơ .. không bạn bè, không chiến hữu .... Các cộng đồng người Việt ở nước ngoài sẽ phải đối phó lại với tình trạng phá hoại của những Việt kiều loại này như đã xảy ra ở MNVN trước đây.
Việc xử dụng thị thực nhập cảnh dài hạn của chính phủ VN dành cho người Việt nước ngoài về lâu dài có thể được đánh giá về ý chí và tinh thần là chấp nhận mặc nhiên quy chế Việt kiều. Chúng ta cũng nên đề cập đến 3 trường hợp tiêu biểu:
* Người Hmong: là một sắc tộc sống giữa biên giới Việt và Lào, họ có thể có quốc tịch Lào hoặc quốc tịch VN. Giả sử 1 người Hmong có quốc tịch Lào và 1
người Hmong có quốc tịch VN tới Hoa Kỳ, thì chính phủ HK sẽ gọi họ là gì?
- Hmong kiều, chắc chắn là không thể nào được, vì Hmong không phải là một dân tộc có một quốc gia riêng. Vậy chỉ có thể gọi là Việt kiều, Việt kiều gốc
Hmong hay Lào kiều, Lào kiều gốc Hmong. Giả sử họ nhập quốc tịch HK, thì họ sẽ được gọi là người Mỹ gốc Hmong hay người Mỹ gốc Lào-Hmong hay người Mỹ gốc
Việt-Hmong. Trường hợp một Việt kiều (nhóm B) đủ điều kiện nhập quốc tịch HK, ví dụ qua hôn nhân thì họ cũng được gọi là người Mỹ gốc Việt như người Việt cư dân
(nhóm C).
* Người Do Thái (Israeli): Trước 1948, lúc chưa thành lập được quốc gia, họ sống tứ tán khắp nơi, người Do Thái chỉ được xem là một sắc dân của các
nước mà họ đang cư trú. Khi họ ra khỏi nước, thì họ sẽ được gọi tên của quốc gia cấp sổ thông hành cho họ: Đức kiều (gốc DT), Pháp kiều (gốc DT), Nga kiều (gốc
DT) ... Sau 1948, người Do Thái đã lập quốc, khi ra khỏi nước, thì họ được gọi là Do Thái kiều. Người Việt ở nước ngoài hiện đang ở vào trường hợp của người DT
trước năm 1948.
* Người Trung Hoa: Người Hoa có 2 quốc gia riêng biệt, đó là Trung Hoa Cộng Sản (CHNDTH) và Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan). Khi họ ra nước ngoài, thì
họ đều được gọi là Hoa kiều.
Trở lại xuất xứ của từ ngữ "Việt kiều" trước 1975. Cả nước Việt Nam, sách sử, báo chí đều đã dùng các từ ngữ: Việt kiều hải ngoại, kiều bào hải ngoại. Hai
cụm từ này được dịch từ tiếng Anh là "overseas Vietnameses". Cụm từ này chủ yếu là dùng để chỉ những công dân VN hoạt động chính trị ở Âu Châu từ thời Pháp
thuộc (khoảng thập niên 1880 trở đi) mà đa số là ở Pháp, Nhật, và những du học sinh VN ở các nước trên chứ không phải cho những người Việt hoạt động chính trị ở
Trung Hoa, Lào, Thái Lan ... vì từ overseas là ngoài biển khơi, hải ngoại, các quốc gia cách nhau bởi biển hay đại dương. Từ ngữ Việt kiều, Việt kiều hải ngoại, kiều bào
hải ngoại ít thông dụng, ít nghe nói ở Miền Nam, có lẽ do sự hoạt động yếu kém của Bộ Ngoại Giao VNCH trong lãnh vực kiều vận. Ngược lại, chính phủ Cộng Sản
Miền Bắc, VNDCCH lại tỏ ra thiện nghệ trong lãnh vực này. Cho nên, điều đó giải thích lý do có nhiều du học sinh của Miền Nam lại hoạt động cho CSMB. Sau khi
cuộc chiến "Quốc - Cộng" kết thúc ngày 30-4-1975, có 3 đợt người Việt chủ yếu là từ Miền Nam ra khỏi nước tị nạn:
- Đợt I, năm 1975, đa số là gia đình của công chức, quân nhân VNCH giữ những chức vụ trọng yếu trong chính phủ hoặc là có những công việc liên hệ với HK.
- Đợt II, năm 1978 trở đi, đa số là thường dân đã gặp khó khăn trong cuộc sống khi chính phủ VN áp dụng các nguyên tắc và chính sách của CNCS, CNXH vào Miền
Nam.
- Đợt III, từ đầu thập niên 1990, đa số là gia đình công chức, quân nhân của VNCH đã từng ở trong các trại tù cải tạo.
Và từ ngữ Việt kiều bắt đầu thông dụng nhất vào từ giữa thập niên những năm 1980 khi chính phủ VN cho áp dụng chính sách mở cửa, cho phép những
người tị nạn trở lại thăm viếng cố hương và thân nhân của họ "với lòng ưu ái, rộng lượng về ngôn từ". Tuy nhiên, từ ngữ Việt kiều, VKHN, KBHN vẫn cố y được dùng
để gọi chung cho 2 nhóm người Việt ngoài nước và người Việt nước ngoài.
Tóm tắt, từ ngữ Việt kiều của 2 nhóm người Việt B và C mà trong đó chữ Việt của nhóm B là Việt quốc (Vietnam), là người Việt đặt trên căn bản pháp lý. Còn
chữ Việt của nhóm C là Việt nhân (Vietnameses), là người Việt đặt trên căn bản chủng tộc, dòng giống, huyết thống. Trong thực tế, những sinh hoạt về chính trị, văn
hóa, xã hội, cho thấy nhóm A, B tiêu biểu cho Miền Bắc Cộng Sản với biểu tượng cờ đỏ sao vàng và nhóm C tiêu biểu cho Miền Nam Quốc Gia với biểu tượng cờ vàng
3 sọc đỏ.
Dù bất cứ trường hợp nào, thì từ ngữ "Việt kiều" cũng đã bị khá nhiều người hiểu là để chỉ tới 2 nhóm B và C. Vậy, để làm cho tiếng Việt trong sáng, rõ ràng
hơn và tránh sự diễn giải với mục đích về chính trị hay tư lợi kinh tế, chúng ta có nên thêm vào tự điển VN 2 từ ngữ: Việt-quốc kiều cho nhóm B và Việt-nhân kiều cho
nhóm C không? Vì chỉ cần nhìn vào là có thể phân biệt được ngay lý lịch của một Việt kiều thuộc nhóm nào, mà không cần phải giải thích thêm, vả lại, 2 từ ngữ này
nghe cũng êm tai và có nhạc tính. Đặc tính của ngôn ngữ là nhiều người dùng, lâu ngày trở thành thói quen, miễn là đừng nghe chỏi tai, tối nghĩa. Đề nghị và xin ý kiến!
Độc giả nếu thấy hay, tốt thì nên áp dụng. Việt quốc kiều nào muốn thành Việt nhân kiều thì hãy qua con đường kết hôn, xin tị nạn, đầu tư kinh doanh thương mãi ...
Việt nhân kiều nào muốn thành Việt quốc kiều thì hãy xin hồi hương hay làm đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Cố gắng làm cho một ngôn ngữ được trong sáng, rõ ràng thì gọi là xử dụng kỹ thuật diễn đạt ngôn ngữ. Còn cố gắng diễn đạt để cho từ ngữ hay ho, bóng
bẫy, thi vị hơn hay làm cho từ ngữ này có ý nghĩa tương tự hay giống từ ngữ kia hay hai từ ngữ nhập thành một, ví dụ như: người Việt trong nước, người Việt ngoài
nước, người Việt nước ngoài cũng là người Việt; người Việt ngoài nước cũng giống như người Việt nước ngoài; người Việt về lại VN gọi là Việt kiều hồi hương; kiều
bào hải ngoại là khúc ruột ngàn dặm; Việt kiều yêu nước và đại loại ..... Những việc làm như vậy thì được gọi là xử dụng nghệ thuật diễn đạt ngôn ngữ. Nếu đã là nghệ
thuật , thì sẽ có 2 mặt: tích cực thì gọi là điêu luyện, tài tình, khéo léo .... ; tiêu cực thì gọi là lươn lẹo, quanh co, chơi bài ba lá ....
Xuân Canh Dần, Lilburn, ATL.
Trương Ngọc Tuệ
Cựu SQCH P.CH/ BTM/ SĐ1BB
http://www.x-cafevn.org/forum/showthread.php?t=200
Cám ơn đã đăng bài này.
Trả lờiXóaLập lờ đánh lận đánh tráo chữ nghĩa, khái niệm, hình ảnh... có trong ché độ cộng sản quá phổ biến mà nhiều người không chú ý đến, hoặc có lên tiếng đính chính thì bị đảng (cướp) gán ghép tội này tội nọ.