Thú ngồi quán của đàn ông
Thông thường, người ta nghĩ rằng đàn ông bao giờ cũng nhanh nhẹn, hoạt bát, thích đến chỗ đông người để “phô trương thanh thế” và tìm kiếm đối tác cho những “phi vụ” làm ăn. Trong sinh hoạt, người đàn ông luôn tỏ ra kín kẽ với các mối quan hệ kinh doanh hay quan hệ công tác, nhưng nhiều lúc lại đơn giản khi “bù khú” chung quanh bàn tiệc. Chính sự đơn giản ấy sẽ nói lên bao điều về thú vui ngồi quán của cánh đàn ông mà đôi lúc các bà vợ hoặc người thân không hiểu được.
Rất nhiều người đàn ông bất chấp thời tiết, bất chấp (lệnh ông) “cồng bà” để thực sự trung thành với một quán cà phê nào đó. Nhiều bà vợ thương chồng hết mực đã cố gắng sưu tầm các nhãn hiệu cà phê nổi tiếng để chồng thưởng thức. Nhưng sau nhiều ngày quan sát, họ thấy những “vật lạ” ấy vẫn còn đầy trong tủ hoặc đã được đức lang quân mang biếu người khác. Điều gì xảy ra khi cà phê chính hiệu không chịu uống mà cứ phải ra quán, có khi chỉ là quán cóc bình thường, chẳng có gì đặc biệt so với “thương hiệu” của chồng mình?
Mặt khác, có thể nói không bà vợ nào ủng hộ chồng mình nhậu tới bến. Hầu hết các bà đều không muốn chồng bỏ phí thời gian ở những quán nhậu, vừa sợ chồng hao tổn sức khoẻ, vừa sợ chồng có ngày bị ai đó rủ rê để bị “hớp hồn”. Vì vậy, họ có khuynh hướng muốn chồng “nhậu tại gia” cho an toàn, tránh phiền phức. Nhậu ở nhà vừa được vợ chăm sóc kỹ, vừa tiết kiệm các phí tổn “trời ơi”. Nhưng chuyện đời đâu đơn giản như thế, có mấy ông chịu ngồi nhà lai rai! Có lúc thấy quán “chém đẹp” quá, họ bất bình rồi tìm sang quán khác, chẳng mấy ai muốn hồi gia để cùng sẻ chia cảm xúc. Quả thật, đàn ông sao mà rắc rối, tưởng như đơn giản mà hoá ra cầu kỳ, có lúc cứ như phải cầu kỳ lại quá ư đơn giản.
Đối với người đàn ông, việc thưởng thức hương vị của ly cà phê sẽ đạt đến “đỉnh cao” khi vừa uống vừa suy ngẫm chuyện đời, bàn tán chuyện Đông Tây kim cổ hay cùng tán chuyện về các danh thủ bóng đá tận trời Âu hoặc bàn chuyện xứ ngàn lẻ một đêm nào đó… Mặt khác, cảm xúc của người đàn ông với ly cà phê cũng có thể vút cao hơn, khi họ vừa nhấm nháp vừa thả hồn mình theo những trang báo sớm, thích được nắm bắt thông tin nhanh nhất, thích biết chuyện xã hội nhanh nhất cùng cảm giác thanh thản chỉ với riêng mình. Đôi lúc, người ta ra quán để nhìn ngắm người qua lại, đơn giản chỉ để ngắm ai đó đẹp, ai đó dễ thương theo nhãn quan của riêng họ và tủm tỉm một mình vì những phát hiện đã qua. Người đàn ông uống cà phê còn thích lắng đọng tâm hồn qua những nốt nhạc mà trong lúc miệt mài công việc đã không thể có được sự thanh thản để phiêu du. Đàn ông nghiện cà phê không chỉ là nghiện hương cà phê, mà thực ra đa số nghiện không khí của quán, nghiện chỗ ngồi quen thuộc hay nghiện luôn cả con đường đưa mình đến quán. “Gọi ly cà phê, uống một chỗ ngồi” là vậy. Uống cà phê, với họ như là một thói quen, nếu được ngồi ở quán thì sự thú vị sẽ được đong đầy và thăng hoa.
Người ta thường không nhậu một mình nếu đó không phải là người nghiện rượu nặng đô. Nhậu là một hình thức “xả xú páp” nên có nhiều người cùng xả thì cuộc chơi sẽ vui hơn và vòng quay đến lượt mình sẽ lâu hơn. Ở quán, chẳng ai có thể cấm người ta uống, chẳng ai có thể ngăn người ta nói, chẳng ai có thể cản người ta hát và chẳng ai có thể biết khi nào người ta… về. Nhập tiệc ở quán hoặc ở nhà hàng, người đàn ông luôn cảm thấy tự do khi không có ai “chiếu tướng” như ở nhà mình, đó là một cảm giác “an toàn có thời hạn”, mà đã có thời hạn thì bao giờ họ cũng muốn tận hưởng cho “đáng đồng tiền bát gạo”. Do đó, họ thường khoái đi tìm cảm giác ấy. Ở quán, họ được tự do nói về mình và về nhiều thứ khác mà ít sợ ai đó phát hiện rằng mình nói dối bởi ngoài vợ con thân thuộc biết cả mọi điều, họ thường là người đáng kính và vô tư với mọi người trong bàn tiệc. Ở quán, người đàn ông sẽ tìm được thế thượng phong khi trổ tài trong hội thi tửu lượng và mong đợi sự tán dương của bạn bè. Men rượu làm họ thích nói và nói nhiều hơn. Với họ, quán là một môi trường để “vui là chính”.
Nhiều gia đình đã sắm dàn karaoke thật tốt, thật hiện đại nhưng thường người sử dụng là các phu nhân và… người nhà. Đàn ông lại thích hát karaoke ở quán. Trong quán, họ giành nhau hát, họ cố gắng thể hiện bài hát thật hay để được điểm cao và được tặng thưởng những món hàng khuyến mãi, họ thật sự “ngây thơ” hát như chưa được hát bao giờ. Không gian của quán làm họ mềm giọng hơn, tiếng hát ngọt ngào hơn, thao tác biểu diễn thuần thục hơn và họ “thuộc bài” nhiều hơn. Và thật ra, cũng chẳng có ai đi hát karaoke một mình, phải có đông người thì cuộc chơi mới thú, phải có thi đua thì trò chơi mới hay, phải có “gáy” thì gà mới hăng hái… Quả thật, trong gia đình, người đàn ông thường phải nhường chức quán quân cho vợ, cũng chẳng dám chê bai vợ, lại càng không muốn cả nhà tra hỏi “hát với ai mà hay đến thế”!
Người đàn ông không muốn mình trở thành người ngoài cuộc trong bất cứ điều gì, họ không muốn mình trở thành “kẻ cô đơn”, không thích làm “kiểng” cho thiên hạ ngắm nhìn. Họ thích được làm người quan sát, thích được tán dương, thích được tự do “chơi” theo cách của mình nên quán đã trở thành không gian để họ trải nghiệm. Một khi gia đình tìm cách mềm hoá không gian để họ được bộc lộ thì người đàn ông sẽ rất dễ thương trong nhà của mình vậy.
TS Đinh Phương Duy
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Bấm vào dưới avata "Tham gia trang web này " để có thể biết bài mới của Ròm